DÂN VĂN TÂM SỰ CHUYỆN HỌC VĂN
1. Làm thế nào để cải thiện việc viết văn?
Ngày xưa đi học mình không phải là người học giỏi văn, điểm văn của mình dao động từ 7-8 cho các bài kiểm tra trong lớp. Mình có thói quen là hay tham khảo bài trên mạng, thậm chí là chép luôn bài văn của người ta (lớp 8-9 gì ý). Xét một góc nhìn khác, việc tham khảo văn trên mạng hoàn toàn được xem là một cách học hỏi, chúng ta thường chắt lọc những lời chuyển ý hay, những câu phân tích sắc sảo để áp dụng vào bài viết của mình.
Cá nhân mình cảm thấy việc này giúp cho chúng ta cải thiện văn phong rất hiệu quả. Nếu đầu tư hơn, bạn nên thường xuyên xem các bài văn mẫu, các bài văn đạt giải cao để đa dạng thêm vốn từ của mình. Khi đọc nhiều bài văn, bạn sẽ rút ra được cái nhìn tổng quan về bố cục bài làm, lối hành văn, cũng như các điểm nhấn cho từng dạng bài.
Hãy đọc nhiều sách và dành thời gian đọc những sách mà bạn yêu thích. Có thói quen đánh dấu những trích dẫn hay, những câu nói của người viết khiến bạn tâm đắc. Nếu bạn siêng năng thì hãy dành ra một chút thời gian để ghi chép chúng lại trong một quyển vở, một cuốn sổ tay bé bé xinh xinh nào đó để tạo động lực học tập.
Quan điểm cá nhân của mình là thế này: Nếu bạn thích sách điền văn, hãy đọc điền văn. Bạn thích đọc tản văn, hãy đọc tản văn. Bạn thích đọc ngôn, hãy cứ đọc ngôn! Hãy đọc những gì bạn yêu thích! Nếu bạn thích đọc ngôn nhưng bạn được review là đọc tản văn giúp giọng văn hay hơn thì mình tin chắc rằng khi đọc bạn sẽ dễ buồn ngủ (tùy quan điểm mỗi người, mình không chắc chắn 100% được) Và mình đã từng.
Dấu hiệu để biết giọng văn bạn đã cải thiện là gì? Đó là bạn đọc 100 bài băn mẫu trên mạng nhưng hết 101 bài khiến bạn không hài lòng. Đó là lúc bạn đã xuất sắccccc!!! (Mình đùa thôi!)
2. Kinh nghiệm khi đi thi văn là gì?
Mình thật sự ngại khi chia sẻ về vấn đề này lắm. Tại vì sao? Vì mình toàn ĂN – CHƠI – ĐỌC TRUYỆN – ĐI NGỦ vào những ngày gần thi. Cách mình phân bố thời gian hơi khác đời. Trước 4 tuần đi thi, mình dành 1 tuần để học các dẫn chứng NLXH, 1 tuần để học các dẫn chứng NLVH, 1 tuần để học các mở bài, tuần cuối cùng thì chắc các bạn cũng đã biết!
Tuyệt đối đừng bao giờ cố học vào những ngày cận thi, mà thay vào đó chúng ta hãy đi xoã cùng bạn bè, xem phim, đọc truyện. Thỉnh thoảng trên đường đi học thì hãy nhẩm lại bài, đi toilet hãy nhớ lại các dẫn chứng, trước khi ngủ hãy đọc lại các mở bài…Chắc chắn đến ngày thi bạn sẽ không bị quên ý, mình thề luôn! Mình đã áp dụng và thành công.
Đối với kì thi HSG có dạng lý luận văn học thì trước 1 tuần của 4 tuần đó hãy dành ra vài buổi tối để hoàn thành một đề văn bằng tất cả tâm huyết, mồ hôi, nước mắt, hãy viết tràng giang đại hải, đưa hết thảy những kiến thức của bạn vào trong mấy chục tờ giấy thi (có lố quá không ta? Thôi kệ!). Làm xong, hãy đọc đi, đọc lại, hãy nhờ thầy cô nhận xét để rút ra kinh nghiệm. Đi thi bạn sẽ có cảm giác như bài làm đó đang bay nhảy trong đầu mình, sẽ không bao giờ bạn có cảm giác bí ý, kẹt ý, không biết viết gì. Mình đã thử và thành công. Các bạn còn nhớ bài văn mình up lên trang cá nhân chứ, mình đã dùng 4 buổi tối để làm và “ăn tươi nuốt sống” chúng trước những ngày cận thi.
Khi thi văn chúng ta thường e ngại nhất là việc bôi xoá, nếu viết sai, bạn hãy gạch nhẹ một đường nghiêng dễ tránh gây mất thiện cảm khi giám khảo chấm bài.
Bạn hãy sử dụng loại bút mà mình yêu thích và thuận tiện để bạn tận dụng tối đa mọi năng lực của mình. Mình nghĩ chúng ta nên dùng bút lông kim, hạn chế dùng bút bi vì cả phòng thi 20 người đã hết 21 người dùng bút bi rồi (tuy nhiên nếu bạn đã quen với việc sử dụng bút bi thì hãy tiếp tục dùng chúng, không sao cả! Miễn sao bạn cảm thấy thật tự tin với bài làm của mình). Hãy để lại một điểm nhấn cho bài làm đó là dùng bút lông kim màu sáng (màu xanh dương, màu tím) để tạo sự nổi bật cho bài viết (một số nơi quy định về màu mực khi đi thi thì bỏ qua vấn đề này).